Bất kỳ ngành nghề nào cũng luôn tiềm ẩn những tai nạn nghề nghiệp ngoài ý muốn, nghề phiên dịch cũng không ngoại lệ. Vậy những tai nạn đó là gì? Làm sao để ứng phó tốt nếu gặp tai nạn nghề phiên dịch? Cùng đón xem câu trả lời trong bài viết dưới đây nhé!
Bạn có trình độ phiên dịch cao sao vẫn phải trang bị kỹ năng ứng phó tai nạn nghề nghiệp?
Bạn có biết, dù phiên dịch viên có là người cầu toàn đến đâu và luôn chuẩn bị mọi thứ thật kỹ trước mỗi buổi dịch nhưng nhiều vấn đề ngoài tầm kiểm soát vẫn có thể xảy ra. Để đảm bảo phiên dịch viên trong lúc tác nghiệp không phạm phải bất cứ một sai lầm nào như dịch sai, dịch kém…, mỗi phiên dịch viên đều phải trang bị cho mình kỹ năng ứng phó với những sự cố ngoài ý muốn khi hành nghề, nhất là trong phiên dịch tháp tùng, phiên dịch cabin hay phiên dịch hội thảo hội nghị.
Phương pháp ứng phó với tai nạn nghề nghiệp khi phiên dịch
Trên thực tế có rất nhiều tai nạn nghề nghiệp do yếu tố chủ quan và khách quan, trước và trong lúc dịch. Tuy nhiên, ở bài viết này, PHIENDICH.COM chỉ đề cập đến những tai nạn trong lúc phiên dịch và cách xử lý tốt nhất nếu bạn rơi vào trường hợp đó.
1. Phiên dịch viên chưa hiểu rõ nội dung cần dịch
Khi phiên dịch viên chuyên nghiệp gặp vấn đề chưa hiểu rõ nội dung, cách thường dùng nhất là trì hoãn dịch trong vài giây, tiếp tục nghe đoạn thông tin nguồn tiếp theo để nắm bắt thêm ý nghĩa lời nói của diễn giả, từ đó có ý tưởng dịch kết hợp phần nội dung trì hoãn với nội dung mới, đảm bảo lời dịch trôi chảy, trau chuốt, đúng hướng và đủ sức thuyết phục. Tuy nhiên, điều lưu ý là vấn đề này sẽ đòi hỏi trí nhớ ngắn hạn tốt vì lượng thông tin sẽ bị dồn lại khá nhiều và có khả năng là phiên dịch viên sẽ bị bỏ sót ý của vài đoạn sau đó.
2. Phiên dịch viên gặp thông tin ngoài kiến thức chuyên môn
Hiểu một cách đơn giản, vấn đề gặp phải là phiên dịch viên gặp một thông tin với ngữ nghĩa lạ, vượt ra sự hiểu biết của bản thân, do đó họ gặp khó khăn trong việc dịch nghĩa chính xác của thông tin đó. Vậy phải làm sao khi gặp trường hợp này? Cách ứng phó trong trường hợp này là phiên dịch viên sử dụng ngữ cảnh để tái tạo ý nghĩa, tức sử dụng những từ đồng nghĩa hay đề tài, tình huống tương tự mô phỏng, dẫn giải người nghe đến luồng ý nghĩa tương đương. Dù vậy nhưng các phiên dịch viên chuyên nghiệp khuyên không nên dùng phương pháp này vì độ tin cậy không cao, dễ dẫn đến dịch sai, dịch không sát ý, gây hiểu lầm cho người nghe. Do đó, cách tốt nhất là bạn phải chuẩn bị kỹ lưỡng tài liệu liên quan đến buổi dịch hoặc nói chuyện trước với diễn giả để hiểu thông tin rõ hơn.
3. Phiên dịch viên gặp khó khăn khi phiên dịch cabin
Hầu hết các buổi dịch cabin đều có ít nhất từ 2 người phiên dịch trở lên làm việc với nhau. Các chuyên viên phiên dịch sẽ thay phiên nhau thực hiện công việc là một người tập trung dịch, một người lắng nghe. Do đó, khi một phiên dịch viên gặp khó khăn khi dịch như nghe không rõ hoặc chưa hiểu ý của diễn giả, chưa tìm được từ phù hợp để dịch… hãy ngay lập tức hỏi đồng nghiệp cùng ngồi trong cabin với mình. Bởi, người lắng nghe sẽ có thời gian hiểu nhiều hơn, thậm chí có thể tham khảo tài liệu. Khi đó, phiên dịch viên kia sẽ viết ra giấy cho bạn. Đây được đánh giá là phương án khá tối ưu, không hề tốn thời gian, đồng thời kết hợp được kiến thức của cả hai người dịch.
Ba phương pháp ứng phó này không phải lúc nào cũng đúng trong từng trường hợp phiên dịch. Bởi vậy, để đảm bảo có được hướng giải quyết hợp lý, phiên dịch viên nên tích cực cập nhật kiến thức (cả chuyên môn và thực tế), linh hoạt trong phán đoán tình huống và lựa chọn phương án xử lý tương ứng phù hợp ngữ cảnh và trình độ của bản thân.