Những lỗi phiên dịch viên hội thảo thường mắc phải

27/07/2020, 10:56

Những phiên dịch viên hội thảo – hội nghị, đặc biệt là những phiên dịch mới vào nghề thường cố gắng ghi nhớ thật chi tiết để dịch kịp với tốc độ nói của diễn giả. Tuy nhiên, điều này vô tình làm phiên dịch viên xao nhãng những khía cạnh khác tác động đến quá trình phiên dịch. Chính vì lẽ đó, rất nhiều phiên dịch viên mắc phải những sai lầm cơ bản trong quá trình dịch. Công ty phiên dịch Kim Long xin đưa ra một số tình huống cụ thể và giúp phiên dịch viên tìm giải pháp cho những lỗi lầm đó qua bài viết dưới đây.

Không để ý đến âm lượng phiên dịch

Có rất nhiều phiên dịch viên hội thảo có suy nghĩ rằng nhiệm vụ của mình chỉ là dịch mà quên mất kiểm soát âm lượng. Nhiều trường hợp phiên dịch viên hội thảo non tay đang dịch “hùng hồn” bỗng dưng lí nhí bởi không nghe rõ lời diễn giả.

Phiên dịch viên cần chú ý âm lượng phù hợp trong suốt sự kiện phiên dịch. Nếu phiên dịch nói quá to sẽ khiến người nghe cảm thấy khó chịu do bị chói tai. Còn nếu nói quá nhỏ thì người nghe sẽ rất khó khăn khi lắng nghe phiên dịch.

Vì vậy, một phiên dịch chuyên nghiệp luôn chuẩn bị kỹ lưỡng mọi công đoạn trước khi tác nghiệp. Đến sớm 30 phút trước khi diễn ra buổi hội thảo để chuẩn bị tinh thần cũng như kiểm tra hệ thống âm thanh. Đồng thời luôn giữ bình tĩnh để giải quyết những vấn đề khác khi không nghe kịp lời nói của diễn giả.

Dịch nhầm tên, chức danh của khách mời hay diễn giả

Phiên dịch viên hội thảo thường sẽ mắc lỗi sai khi coi nhẹ việc tìm hiểu thông tin về khách mời hay diễn giả có mặt trong sự kiện. Dĩ nhiên, bạn sẽ phải đỏ mặt vì “râu ông nọ cắm cằm bà kia” hay đọc sai tên của khách mời.

Để giảm thiểu trường hợp xấu này xảy ra, phiên dịch viên cần tìm hiểu trước danh xưng của các đại biểu bằng cách liên hệ lấy thông tin của ban tổ chức hội thảo trước khi sự kiện phiên dịch bắt đầu. Hãy cố gắng tham khảo và tìm hiểu trước về cách phát âm tên, chức danh của đại biểu ở cả ngôn ngữ nguồn và ngôn ngữ đích.

Trí nhớ có hạn – phiên dịch gặp nạn

Dù là một phiên dịch kỳ cựu, kinh nghiệm bao nhiêu đi nữa cũng có lúc “cạn lời”. Sự thật là trí nhớ của con người có hạn, phiên dịch viên thì lại không lường hết được một bài nói dài, đôi khi còn “vòng vo tam quốc” của diễn giả. Tất nhiên, bạn sẽ rơi vào trạng thái ấp úng và không tự tin vào phần trình bày của mình.

Để ứng phó với tình huống “dở khóc dở cười” này thì PHIENDICH.COM chia sẻ cho bạn một số phương án:

• Tập luyện trí nhớ

• Lựa chọn phương pháp học và luyện tập tốc ký để hỗ trợ trí nhớ.

• Tóm lược ý bằng cách nắm được ý chính và từ khóa trong bài phát biểu để triển khai dịch.

Diễn giả hăng hái – phiên dịch tê tái

Quả thật, các diễn giả thường tự tin, linh hoạt trong giọng nói và ngôn ngữ để phù hợp với bài diễn thuyết tăng hấp dẫn cho người nghe. Cũng vì thế mà một số phiên dịch viên “chân ướt chân ráo” bước vào nghề cảm thấy áp lực và thiếu tự tin trong giao tiếp nên khó nhập tâm vào bản dịch. Buổi hội thảo sẽ thất bại khi phiên dịch không truyền tải được toàn bộ tinh thần và nội dung mà diễn giả đem đến.

Để tránh trường hợp này, các chuyên viên phiên dịch cần chú ý đến thái độ, tông giọng của diễn giả mà truyền tải nội dung. Ngoài ra, phiên dịch viên hội thảo cần luyện tập các thể hiện trạng thái cảm xúc qua lời nói, qua ngôn ngữ cơ thể hằng ngày.

Nghe thành thần – dịch thất thần

Có thể thấy những phiên dịch khi mới bước vào nghề thường thiếu sự ổn định tâm lý. Nỗi sợ sai thuật ngữ, sợ dịch khó hiểu vô hình chung trở thành chướng ngại vật ngăn cản phiên dịch suôn sẻ mặc dù khả năng nghe nói của họ rất đỉnh. Đối với phiên dịch lâu năm, một số phiên dịch không chuẩn bị kỹ càng, đọc tài liệu cũng như tìm hiểu thuật ngữ không kỹ dẫn đến việc khó khăn khi chuyển ngữ.

Để khắc phục điều này, phiên dịch viên nên cố gắng thả lỏng đầu óc, chú ý đến giọng nói và chuẩn bị thật kỹ càng các chủ đề để tự tin chinh phục các nhiệm vụ phiên dịch khó nhằn. Bên cạnh đó, tích lũy kiến thức chuyên môn và luyện tập sức chịu đựng áp lực cũng vô cùng quan trọng trong công việc “cầu nối giao tiếp” này.

Trên đây là 5 trường hợp cụ thể mà bất cứ phiên dịch viên hội thảo nào cũng có thể mắc phải. Hy vọng thông qua bài viết của công ty phiên dịch Kim Long, bạn sẽ chuẩn bị kỹ càng tâm thế cũng như kiến thức để “chiến đấu” những nhiệm vụ khó khăn để đạt được thành công trong sự nghiệp phiên dịch.

Ý kiến bạn đọc